Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn sinh viên thực hành, ôn tập truyện cổ tích “Cậu bé Tích Chu” bằng sơ đồ tư duy Th.S. Nguyễn Thị Nguyệt Đơn vị: Khoa GD Tiểu học- Mầm non

 

1. Đặt vấn đề

      Sơ đồ tư duy (SĐTD) là một phương pháp học tập có nhiều ưu thế vì tạo hứng thú, giúp sinh viên (SV) hào hứng trong học tập, khai thác được ưu thế của hoạt động tư duy. Đồng thời, phương pháp này cũng rèn luyện thêm nhiều kĩ năng cho SV trong quá trình tự học.

      Học phần Văn học là học phần cơ sở ngành, cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về lí luận văn học liên quan trực tiếp đến các tác phẩm văn học trong chương trình mầm non; Kiến thức cơ bản về văn học dân gian Việt Nam, Văn học viết cho thiếu nhi, văn học thiếu nhi nước ngoài,... Truyện cổ tích là thể loại truyện dân gian thuộc bộ phận Văn học dân gian được trẻ mầm non đặc biệt yêu thích. “ Cậu bé Tích Chu” là một câu chuyện cổ tích rất nhân văn, mang đến nhiều bài học vô cùng ý nghĩa. Vượt qua rào cản thời đại, Cậu bé Tích Chu là một tác phẩm sống mãi trong lòng người đọc cùng những giá trị nhân văn và bài học tốt đẹp. Câu chuyện được lựa chọn trong chương trình mầm non với hoạt động cho trẻ làm quen với văn học. Tuy nhiên, truyện cổ tích này có nhiều sự kiện khiến SV khó nhớ, khó thuộc dẫn đến SV mất thời gian ghi nhớ khi kể chuyện diễn cảm và việc phân tích truyện gặp khó khăn. Sinh viên ngành Giáo dục mầm non trường CĐSP Bắc Ninh hiếm khi sử dụng SĐTD trong dạy học môn Văn học.  Trong bài viết này, tôi trình bày biện pháp hướng dẫn sinh viên thực hành, ôn tập truyện cổ tích “Cậu bé Tích Chu” bằng sơ đồ tư duy. Điểm mới trong bài viết của tôi là việc hướng dẫn SV vẽ SĐTD và sử dụng chúng như một công cụ, đồ dùng hỗ trợ trong quá trình thực hành, ôn tập truyện cổ tích. Biện pháp này có tác dụng rèn luyện tư duy và ngôn ngữ cho SV giúp SV ghi nhớ  lâu hơn, sâu hơn các sự kiện cốt truyện. SV thuận lợi trong việc phân tích  truyện. Vẽ và sử dụng SĐTD, sinh viên được rèn luyện thêm nhiều kĩ năng, mạnh dạn, tự tin hơn khi kể chuyện diễn cảm, tự tin trình bày bài thực hành của mình về truyện cổ tích. Khi ôn tập thi giữa kì và kết thúc học phần, nhìn vào SĐTD đã vẽ, SV sẽ nhớ lại toàn bộ nội dung đã thực hành  nên việc ôn tập đỡ mất thời gian lại hiệu quả.

=> Cr2. Giải quyết vấn đề

          Mind map (Sơ đồ tư duy hay bản đồ tư duy) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Kĩ thuật tạo ra loại sơ đồ này được phát triển bởi Tony Buzan vào những năm1960 và cho đến nay nó đã và đang được sử dụng ở rất nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Về cấu tạo, mindmap có cấu tạo cơ bản như sau:

 

 
  

 

 

 

 

 

 

 

      

Hình 1: Cấu tạo SĐTD

          Ở giữa sơ đồ là từ khóa hay hình ảnh miêu tả chủ đề trung tâm, xung quanh là các ý chính liên quan đến đến chủ đề, mỗi ý lớn sẽ được thể hiện bằng một màu sắc hoặc kí hiệu khác nhau. Các ý nhỏ trong mỗi ý lớn đó cũng sẽ được vẽ hoặc viết cùng màu sắc hay cùng kí hiệu với ý lớn mà nó biểu hiện.

          Ở Việt Nam, SĐTD đã được sử dụng trong giáo dục ở các cấp học và các môn học khác nhau như Toán, Vật lí, Ngoại ngữ, Sinh học, ... nhằm tạo hứng thú cho người học để các em ghi chú, hệ thống hóa, liên kết các mạch kiến thức và tái hiện bài học tốt hơn. Sử dụng sơ đồ tư duy, con người không cần mất thời gian, công sức ghi chép dày đặc các nội dung mà thông qua các tiêu đề ngắn gọn, các kí hiệu, hình ảnh hai chiều để ghi nhớ một cách tổng thể, chi tiết.

Trong Chương trình giáo dục mầm non, người giáo viên mầm non có thể lựa chọn cho trẻ 5-6 tuổi làm quen với một số truyện cổ tích như Cây tre trăm đốt, Tấm Cám, Cậu bé Tích Chu,... Khi hướng dẫn thực hành, phân tích, ôn tập truyện cổ tích cho SV mầm non, Giảng viên (GV) có thể lựa chọn các truyện cổ tích này để thực hành, ôn tập giúp SV ghi nhớ cốt truyện, nội dung, ý nghĩa câu chuyện lâu hơn, sâu hơn. Từ đó, SV có thể ghi nhớ cốt truyện, nội dung, nghệ thuật của truyện và vận dụng vào quá trình kể chuyện cho trẻ mầm non sau này. Ở bài viết này, tôi lựa chọn truyện “Cậu bé Tích Chu” để hướng dẫn SV thực hành. Để vẽ được SĐTD cho truyện “Cậu bé Tích Chu”, tôi hướng dẫn SV các bước sau:

 Bước 1: Chuẩn bị: Lựa chọn cách vẽ (thủ công hay phần mềm online) cùng với các đồ dùng hay công cụ hỗ trợ phù hợp.

 Bước 2: Xác định chủ đề, ý chính, từ khóa chính: GV hướng dẫn SV ở vị trí trung tâm đặt một hình ảnh hoặc một từ khóa thể hiện một chủ đề, một nội dung, một ý tưởng hoặc một khái niệm. Từ khóa chính của sơ đồ: CẬU BÉ TÍCH CHU. Từ khóa chính cần viết in hoa, đậm, đánh bóng bằng màu đỏ nổi bật.

   Bước 3: Xác định các nhánh cấp 1 cho SĐTD: Để xác định các nhánh cấp 1, SV cần xác định các nhân vật chính của truyện, kết thúc truyện, ý nghĩa câu chuyện. Sau khi đọc truyện Cậu bé Tích Chu, chúng ta xác định được các nhân vật chính gồm: Tích Chu, bà của Tích Chu, Bà Tiên. Kết thúc truyện bà của Tích Chu trở lại thành người, hai bà cháu sống hạnh phúc. Ý nghĩa của truyện: Cậu bé Tích Chu là một truyện cổ tích rất nhân văn, mang đến nhiều bài học vô cùng ý nghĩa.Truyện nhắc nhở chúng ta phải biết quan tâm, yêu thương mọi người xung quanh, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Truyện còn cho chúng ta thấy được sức mạnh của tình cảm gia đình, giống như cậu bé Tích Chu đã cố gắng vượt qua biết bao khó khăn lấy nước suối tiên cho bà uống, để bà trở lại thành người. Sau đó, GV hướng dẫn SV xác định từ khóa trung tâm Cậu bé Tích Chu sẽ được phát triển nối với từ khóa, chủ đề cấp 1 liên quan trực tiếp bằng các nhánh chính (nhánh cấp 1). Đồng thời, SV xác định các nhánh cấp 1 cho sơ đồ: Nhân vật (Cậu bé Tích Chu, bà Tích Chu, cô Tiên), kết thúc truyện, ý nghĩa câu chuyện.

           Bước 4: Thêm các nhánh phụ cấp 2, cấp 3: Từ các nhánh chính được tiếp tục phát triển, phân nhánh đến các hình ảnh, các tiểu chủ đề cấp 2, cấp 3,... có liên quan đến nhánh chính (trên các nhánh có thể thêm các hình ảnh, kí hiệu như mũi tên, dấu gạch ngang, ...). SV có thể dựa vào tài liệu học tập và tài liệu tham khảo để thêm nội dung vào các nhánh phụ 2, 3 cho đầy đủ: Cậu bé Tích Chu vừa đáng thương, vừa đáng khen nhưng cũng vừa đáng trách.  chỉ biết mãi ham rong chơi cùng chúng bạn mà không quan tâm đến người bà phải làm việc vất vả, đến khi bà ngã bệnh nặng cậu vẫn không ở nhà trông nom chăm sóc cho bà. Bà sốt cao, khát nước quá phải hóa thành chim để đi tìm nước uống. Lúc trở về nhà thấy bà đã hóa thành chim, Tích Chu thực sự hoảng hốt, hối hận. Lúc này cậu cảm thấy bơ vơ giữa cuộc đời. Lúc này cậu mới thấy rằng, bà chính là gia đình của cậu, là lẽ sống của cậu, là chốn để cậu trở về. Và kì diệu thay là sự xuất hiện của Tiên- yếu tố thần kì với nước suối tiên thần kì. Nếu cô Tiên không xuất hiện thì câu chuyện sẽ không thể tiếp tục, nó sẽ là kết thúc buồn và cậu bé Tích Chu sẽ bơ vơ trên cuộc đời, không có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Khi nghe Tiên bảo có thể cứu bà bằng cách lấy nước suối Tiên cho bà uống thì Tích Chu đã không hề ngần ngại, lập tức lên đường đi tìm nước suối Tiên mặc dù đường đi rất xa và hiểm trở. Cuối cùng cậu vượt qua mọi khó khăn trắc trở để tìm nước suối tiên về cho bà uống và bà của cậu đã trở lại thành người.

  Bước 5: Hoàn thiện SĐTD bằng việc tô màu và kết hợp hình ảnh minh họa. Tùy theo cách vẽ đã lựa chọn, SV hoàn thiện sơ đồ bằng cách sử dụng các công cụ như bút màu, tranh ảnh minh họa, hình ảnh cắt, xé dán,... (đối với cách vẽ thủ công) hoặc tính năng thay đổi màu sắc, chèn hình ảnh,... (đối với cách vẽ bằng phần mềm máy tính) để SĐTD được mô tả một cách đầy đủ, rõ ràng.

Sau khi GV giao nhiệm vụ nhóm lớp sinh viên lớp CĐMN K43A, GV thu được các SĐTD sau:

 

Hình 2: Sản phẩm của tổ 3- Cậu bé Tích Chu

 

 

Hình 3: Sản phẩm của tổ 4 - Cậu bé Tích Chu

Hình 4: Sinh viên trình bày bài phân tích cá nhân có sử dụng SĐTD (Tổ 1+2)

Các SĐTD cần khắc phục việc trình bày chữ còn nhỏ, khá nhiều chữ. Tuy nhiên đây là những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Thông qua vẽ và sử dụng SĐTD, SV thuận lợi trong việc viết bài văn phân tích truyện. Qua đó, SV được rèn luyện kĩ năng tư duy, kĩ năng ghi nhớ; Rèn kĩ năng vẽ và sử dụng sơ đồ như một công cụ hỗ trợ trong học tập; SV tích cực, chủ động trong giờ học; Phát triển kĩ năng trình bày; Rèn khả năng tự học; SV tích lũy được tài liệu để ôn tập thi giữa kì và thi kết thúc học phần, ...Về khả năng khái quát: SV đã biết cách ghi chép, khái quát hóa các nội dung thành những từ, cụm từ và thể hiện chúng trên sơ đồ từ duy một cách ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.Vì thế, các em nhớ nhanh và nhớ lâu cốt truyện. Sơ đồ đẹp và thể hiện được bao quát nội dung truyện đáp ứng được mục tiêu bài học. Về kĩ năng diễn đạt, trình bày: So với trước khi thực nghiệm, kĩ năng diễn đạt, trình bày, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của SV đã có sự tiến bộ hơn. Các em diễn đạt trôi chảy hơn, không ậm ừ, lúng túng, hệ thống ý sắp xếp rõ ràng giúp SV chủ động hơn khi trình bày. Như vậy, nhờ công cụ này, SV được rèn luyện về cả tư duy và ngôn ngữ.

3. Kết luận

        Trong dạy học môn học Văn học nói chung, nội dung truyện cổ tích nói riêng, SĐTD trở thành một cầu nối” quan trọng, giúp SV không chỉ hiểu rõ hơn về nội dung mà còn phát triển khả năng tư duy logic và sáng tạo. Đối với SV ngành Giáo dục mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, việc áp dụng SĐTD để ôn tập truyện cổ tích không chỉ giúp các em nắm vững nội dung mà còn tạo điều kiện cho việc áp dụng phương pháp này vào các mảng kiến thức khác trong học phần Văn học. SĐTD không chỉ là một công cụ mà còn là một cánh cửa mở ra những khả năng mới”.

        Tuy nhiên, để áp dụng SĐTD hiệu quả, người học cần có khả năng cụ thể hóa trong việc biểu đạt ý tưởng. Người học cần chuyển đổi sơ đồ thành lời văn một cách linh hoạt để tạo ra bức tranh ngôn ngữ” sinh động, giàu cảm xúc nhưng vẫn chính xác về nhân vật, tác phẩm và ý nghĩa sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt. Sự kết hợp giữa SĐTD năng viết là chìa khóa” để mở ra cánh cửa tư duy sáng tạo và hiệu quả trong học văn học.

Tài liệu tham khảo

+ Bộ GD&ĐT (2021). Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình Giáo dục mầm non

+ Buzan, T., & Buzan, B. (2006). The mind map book. Pearson Education.

+ Lê Thu Hương (chủ biên). (2013). Hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục trong trường mầm non theo chủ đề (cho trẻ các độ tuổi)  NXBGD.

+ + Lê Thu Hương (chủ biên) (2011). Tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố theo chủ đề (các độ tuổi). NXBGD

+ Nguyễn Phương Liên, Phạm Hương Giang (2018). Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học địa lí ở trường phổ thông. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 8, 243-246, 250.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội