Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả dạy học học phần tư tưởng HCM qua trò chơi học tập Giảng viên: Phạm Thị Hải - Khoa Lí luận chính trị - Tâm lý giáo dục

 

  1. Đặt vấn đề

Đào tạo theo tín chỉ và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên tất yếu đòi hỏi giảng viên phải tìm tòi để đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp và hiệu quả. Để việc giảng dạy các môn học Lí luận chính trị nói chung và học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng hấp dẫn mở ra các cơ hội và điều kiện học tập thuận lợi cho người học; Việc sử dụng trò chơi học tập là một trong những phương pháp nhằm kích thích sự nhận thức của sinh viên, tạo thêm hứng thú với môn học.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Khái niệm trò chơi học tập

Trong lí luận dạy học nói chung, tất cả những trò chơi gắn với việc dạy học như là phương pháp, hình thức tổ chức và luyện tập,... với nội dung và tính chất của trò chơi phục vụ mục tiêu dạy học đều được gọi là trò chơi học tập.

A.I. Xôrôkina đã đưa ra một luận điểm vô cùng quan trọng về đặc thù của trò chơi dạy học (còn gọi là trò chơi học tập): “Trò chơi học tập là một quá trình phức tạp, nó là hình thức dạy học và đồng thời nó vẫn là trò chơi... Khi các mối quan hệ chơi bị xóa bỏ, ngay lập tức trò chơi biến mất và khi ấy trò chơi biến thành tiết học, đôi khi biến thành sự luyện tập”.

Như vậy, có thể hiểu: Trò chơi học tập là những trò chơi có nội dung gắn liền với nội dung dạy học, được giáo viên thiết kế, lựa chọn nhằm sử dụng một cách chủ động vào quá trình dạy học nhằm tăng tính tương tác, tích cực trong quá trình dạy học nhằm đạt được mục tiêu dạy học.

2.2. Thực trạng của vấn đề

Để tiến hành điều tra, tác giả đã gặp gỡ, trao đổi phiếu thăm dò ý kiến với các giảng viên đã từng dạy học học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh và các sinh viên K42 ngành Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh.

Điều tra thực trạng sử dụng trò chơi học tập trong dạy học học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh bằng việc thăm dò ý kiến qua bảng hỏi với các sinh viên chuyên ngành Giáo dục Mầm non K42 và các giảng viên đã từng giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết giảng viên và sinh viên đều nhận thấy sự cần thiết cũng như tác dụng của việc sử dụng trò chơi học tập trong dạy học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, đều thấy được hệ thống trò chơi là tư liệu chuyên môn giúp giảng viên có thể sử dụng để phát triển năng lực sáng tạo cho sinh viên, từ đó góp phần nâng cao kết quả và chất lượng học tập bộ môn.

Tuy nhiên việc sử dụng phương pháp này trong dạy học học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay chưa được quan tâm đúng mực.

* Nguyên nhân của thực trạng

Về phía sinh viên: Do nhận thức của một số sinh viên về tầm quan trọng của môn học còn hạn chế, do ý thức tự học, tự giáo dục chưa cao, học mang tính chất đối phó, chỉ tập trung học các môn chuyên ngành … Từ đó, tạo ra một bộ phận không nhỏ sinh viên thụ động khi tham gia học tập môn học.

Về phía giảng viên:

          - Giảng viên chưa hiểu rõ về thiết kế và sử dụng trò chơi trong giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh

          - Giảng viên chưa có kinh nghiệm sử dụng trò chơi trong dạy học học phần này.

          -  Giảng viên thấy khó kết hợp với các phương pháp dạy học khác.

          2.3. Các biện pháp giải quyết vấn đề

Từ thực trạng trên, tôi đưa ra một số biện pháp để giải quyết vấn đề như sau:

Biện pháp 1: Xây dựng quy trình thiết kế trò chơi học tập trong dạy học học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh

Đây là khâu rất quan trọng, giảng viên xác làm tốt khâu này sẽ tạo nên trò chơi học tập phù hợp với nội dung bài học và mục đích dạy học. Quy trình thiết kế trò chơi trong dạy học học phần này diễn ra theo các bước sau:

           Bước 1: Phân tích nội dung dạy học

          Việc phân tích nội dung dạy học của bài dạy cụ thể để giảng viên xác định nội dung kiến thức và kĩ năng, tính toán những phương pháp dạy học phù hợp, xem có nên sử dụng phương pháp trò chơi trong bài giảng đó hay không, rồi chọn thời điểm tiến hành trò chơi hợp lí. Trên cơ sở đó, giúp giảng viên xác định trò chơi và các nội dung dạy học được gắn kết thành một thể thống nhất, tạo hứng thú cho sinh viên, tránh sự nhàm chán cho người học.

Bước 2: Xác định mục đích của trò chơi

          Đây là bước khá quan trọng, có tính chất quyết định sự thành bại của trò chơi. Bởi trò chơi phải được lựa chọn, thiết kế sao cho đạt được mục tiêu dạy học. Ở bước này, giảng viên cần xác định rõ mục đích của trò chơi dùng để kiểm tra bài cũ, dẫn dắt, giới thiệu nội dung mới, hình thành kiến thức mới hay để củng cố ôn tập. Càng xác định được mục đích cụ thể thì trò chơi càng dễ thực hiện.

Bước 3: Xây dựng nội dung trò chơi

          Sau khi đã phân tích được nội dung của bài học, mục đích của trò chơi, giảng viên cần phân tích, tiến hành xây dựng nội dung của trò chơi. Việc đầu tiên trong bước này là đặt tên cho trò chơi. Tiếp đó, giảng viên xây dựng thể lệ trò chơi, nghiên cứu kĩ cách thức chơi, cách tổ chức trò chơi, điều kiện và phương tiện cần thiết để thực hiện trò chơi.

          Biện pháp 2: Xây dựng quy trình sử dụng trò chơi học tập trong dạy học học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh

Để việc nâng cao hiệu quả dạy học học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua trò chơi học tập, giảng viên phải quan tâm đến tất cả các khâu không chỉ khâu thiết kế mà khâu sử dụng cần tuân theo các bước sau:

Bước 1: Giảng viên giới thiệu tên trò chơi, phổ biến thể lệ, quy định của trò chơi

Căn cứ vào nội dung dạy học và bối cảnh cụ thể, giảng viên công bố trò chơi, giới thiệu tên trò chơi, phổ biến thể lệ, quy định của trò chơi, tuyên bố phần thưởng (phạt nếu có, nên chọn hình phạt đơn giản, không gây áp lực), giao các phương tiện, thiết bị phục vụ cho trò chơi. Việc tạo hứng thú cho sinh viên phụ thuộc ở nghệ thuật sư phạm của giảng viên ở bước này. Nếu làm không tốt dẫn đến việc người chơi không hiểu luật chơi dễ phạm luật, thất bại dẫn đến chán nản, buông xuôi.

Bước 2: Giảng viên tiến hành tổ chức trò chơi

Sau khi người chơi đã nắm được rõ luật chơi, giảng viên tiến hành cho sinh viên tham gia vào phần chơi. Triển khai trò chơi như đã thiết kế.

Bước 3: Giảng viên đánh giá kết quả trò chơi

Ở bước này, giảng viên nhận xét toàn diện về tất các các mặt như kết quả của trò chơi, tinh thần, thái độ khi tham gia trò chơi của sinh viên để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Thưởng phạt rõ ràng, đúng luật, công bằng, sao cho người chơi thoải mái, tự giác thực hiện.

Bước 4: Giảng viên tổng kết

Giảng viên hỏi xem sinh viên đã học được gì qua trò chơi hay giảng viên tổng kết lại những gì cần học thông qua trò chơi này hoặc tùy vào mục đích sử dụng dùng trò chơi dẫn dắt vào nội dung kiến thức mới

* Ví dụ sử dụng trò chơi “Hộp quà bí mật” để kiểm tra bài cũ

Sử dụng trò chơi này trước khi vào bài mới học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới.

Bước 1: Giảng viên giới thiệu tên trò chơi, phổ biến thể lệ, quy định của trò chơi

- Giảng viên giới thiệu tên trò chơi “Đi tìm từ khóa”

- Cách chơi: Cả lớp cùng chơi. Giảng viên đưa ra 3 câu hỏi kiểm tra bài cũ. Sinh viên tham gia trả lời câu hỏi. Ai trả lời đúng sẽ được chọn 1 hộp quà bất kì (phần thưởng ẩn trong các hộp quà là điểm số, phần quà vật chất hay tinh thần).

- Luật chơi: Ai trả lời sai không được chọn hộp quà và không được tham gia trả lời các câu còn lại.

Bước 2: Giảng viên tiến hành tổ chức trò chơi

Giảng viên tiến hành cho sinh viên tham gia trả lời các câu hỏi

 

Bước 3: Giảng viên đánh giá kết quả trò chơi

Bước 4: Giảng viên tổng kết

  1. Kết luận

Từ việc nghiên cứu lí luận và thực tiễn hoạt động giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh tác giả nhận thấy:

          Việc nâng cao chất lượng dạy học là một việc làm tất yếu và thường xuyên ở mỗi cơ sở giáo dục. Điều này không những góp phần tạo nên thương hiệu cho nhà trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội trong giai đoạn hiện nay nói chung và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Đưa trò chơi học tập vào giảng dạy học phần này góp phần tạo không khí lớp học sôi nổi, tạo hứng thú, niềm yêu thích cho người học. Từ đó, thúc đẩy các em tích cực chủ động tìm hiểu, nghiên cứu  kiến thức của học phần. Phương pháp này không chỉ giúp người học nắm được kiến thức, kĩ năng cần có mà quan trọng hơn là thúc đẩy, kích thích khả năng tư duy sáng tạo, tìm tòi, ham học hỏi của người học. Từ đó, cho ta thấy phương pháp này góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh cũng như đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

                                                                     

 

         

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội