Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em - Th.s Nguyễn Bích Quyên: Phòng TC-CT HSSV

 

I. Đặt vấn đề

Hiện nay, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn. XHTDTE không chỉ gây tổn thương về thể chất và những hậu quả nhất thời mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản, khả năng học tập, khả năng hòa nhập, sức khỏe tinh thần.

Giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em là rất cần thiết và quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ chính bản thân. Trong bài viết này, tác giả trình bày một số nội dung về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em như sau:

         II. Nội dung

1. Xâm hại tình dục trẻ em

- Xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) bao gồm tất cả những hành vi tình dục không mong muốn. Có thể gồm cả hành vi động chạm hay thậm chí không động chạm.

- Luật Trẻ em 2016, sửa đổi năm 2018 đưa ra khái niệm XHTDTE tại Điều 4, điểm 8: XHTDTE là việc dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia các hành vi liên quan đến tình dục. Bao gồm: Hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em, sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

2. Để bảo vệ trẻ em tốt hơn, cần quan tâm những vấn đề sau:

2.1. Nâng cao nhận thức về vấn đề phòng tránh XHTDTE

Để nâng cao nhận thức về vấn đề phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, trong dạy học học phần Sự phát triển thể chất trẻ em lứa tuổi mầm non, tôi đã lồng ghép nội dung này vào tiết thảo luận Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non. Sinh viên được thể hiện quan điểm với vai trò của cha mẹ và người chăm sóc trong việc bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục. Các em đã nhận thức rõ được các nội dung chính như:

- Nạn nhân của XHTDTE: Có thể là trẻ em trai hoặc gái, trẻ em (TE) thuộc giới tính thứ ba hoặc TE bị bóc lột tình dục, TE khuyết tật có nguy cơ cao.

XHTDTE có thể ảnh hưởng đến mọi TE, mọi gia đình.

- Thủ phạm của XHTDTE: Không thể mô tả hình dạng bên ngoài của một kẻ XHTDTE. Thủ phạm có thể là bất kì ai.

Thủ đoạn của thủ phạm: Nhắm đối tượng ->Xây dựng niềm tin ->Tạo bí mật -> Hành động leo thang ->Thực hiện xâm hại.

- Tội phạm về XHTDTE theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).  (Xem tài liệu: https://vinhphuclawyers.vn/kien-thuc-phap-ly/hinh-su/toi-pham-ve-xam-hai-tinh-duc-tre-em-32352.htm).

 Tội phạm XHTDTE thường có 2 loại: Một loại có âm mưu từ trước; một loại do bộc phát không làm chủ được bản thân vì sử dụng rượu, bia, chất kích thích, xem các văn hóa phẩm đồi trụy.

Tội phạm XHTDTE hiện nay có xu hướng đang dịch chuyển sang phương thức phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng Internet để làm quen và XHTD. Đối tượng thực hiện hành vi XHTD ngày càng mở rộng, không chỉ lao động phổ thông mà có cả người có trình đô, học vấn cao.

2.2. Trò chuyện với trẻ em về phòng, tránh XHTD

- Xây dựng mối quan hệ cởi mở và tin cậy với trẻ: Đảm bảo với trẻ là chúng ta đang lắng nghe và tin tưởng những gì các em kể.

- Trò chuyện với trẻ về giới tính và các vấn đề tình dục phù hợp với lứa tuổi.

- Dạy trẻ cách phòng ngừa ngay từ khi còn nhỏ:

+ Gọi tên chính xác các bộ phận của cơ thể.

+ Nhận biết và phản ứng với những cảm giác và dấu hiệu cơ thể (bồn chồn, nóng, muốn khóc, run chân, tim đập nhanh, khô miệng,...) để biết khi nào các em cần được bảo vệ.

+ Nếu trẻ thấy lo lắng hay sợ hãi, trẻ có thể nói KhôngĐi khỏi tình huống nguy hại và Chia sẻ với người lớn tin cậy (ông, bà, bố, mẹ, cô giáo,...) về những gì đã xảy ra.

+ Dạy trẻ luôn kể cho chúng ta về những bí mật làm con lo lắng, hay phải chịu đựng là điều cần thiết.

- Dạy trẻ một số kĩ năng phòng tránh XHTDTE:

+ Xác định vùng riêng tư trên cơ thể: Miệng, ngực, giữa hai đùi và mông.

+ Với những trường hợp có nhiều người cố tình đụng chạm vào cơ thể chúng ta, hoặc bắt chúng ta đụng chạm vào cơ thể họ, xem những bộ phim không lành mạnh, hay cởi quần áo trước mặt họ là những đụng chạm xấu.

+ Vậy nếu ai đó có đụng chạm xấu vào cơ thể các em, các em sẽ làm gì?

Kêu to lên và tìm mọi cách nói với những người các con tin tưởng. Các con hãy nhớ rằng đừng bao giờ sợ hãi khi nói ra ý nghĩ của mình, khi các con nói ra mọi người sẽ luôn giúp đỡ các con.

+ Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.

+ Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.

+ Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.

+ Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa.

+ Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.

+ Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.

+ Không cho ai (ngoài Bố mẹ, Bác sỹ khám bệnh) có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.

+ Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình) Không nói chuyện điện thọai với người lạ khi đang ở nhà một mình.

+ Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.

+ Kiên quyết phản đối, có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.

+ Gọi đến số điện thoại của cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 111, 113

 2.3. Cảnh giác với những gì đang xảy ra.

- Hành vi của trẻ:

+ Thay đổi tâm trạng, trở nên thu mình, trầm cảm, cáu giận bất thường hay trở nên hung hăng.

+ Bỏ nhà, đi đâu đó một thời gian.

+ Học hành sa sút, bỏ học không lí do.

+ Có tiền, quà tặng, điện thoại,... không rõ nguồn gốc.

+ Lạm dụng chất gây nghiện (ma túy, rượu).

+ Có các hành vi tính dục không phù hợp lứa tuổi.

+ Có các biểu hiện khác: rối loạn giấc ngủ, đái dầm, bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Hành vi của người lớn xung quanh:

+ Quan tâm trẻ quá mức.

+ Tặng trẻ đồ chơi hay tiền.

+ Dành nhiều thời gian ở một mình với trẻ.

+ Muốn đưa trẻ đi chơi, tham quan, nghỉ mát cùng.

- Dấu hiệu trẻ bị XHTD:

+ Sưng, đau, bầm, tím, xước, chảy máu ở bộ phận sinh dục.

+ Trầm cảm, im lặng, ngồi một mình, ngại tiếp xúc với người khác.

+ Kết quả học tập giảm sút.

2.4. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

Liên hệ Chính quyền địa phương; Công an địa phương; Cơ quan LĐ-TB&XH các cấp. Gọi điện đường dây nóng quốc gia bảo vệ trẻ em: 111. Gọi số 113: Cơ quan công an

III. Kết luận

Nội dung phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em cần được tuyên truyền rộng rãi để sinh viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ hiểu được trẻ em không có lỗi và cần được bảo vệ. Nhà trường tổ chức tuyên truyền thông qua giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt khoa, giờ hoạt động ngoại khóa. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người trong công tác bảo vệ trẻ em.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. https://vinhphuclawyers.vn/kien-thuc-phap-ly/hinh-su/toi-pham-ve-xam-hai-tinh-duc-tre-em-32352.htm

[2]. https://baodongkhoi.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-ngua-toi-pham-xam-hai-tre-em-29062022-a102291.html

[3]. https://www.doisongphapluat.com/tin-tuc-phap-luat-moi-nhat-ngay-11-8-2023-nguoi-phu-nu-62-tuoi-linh-an-23-nam-tu-vi-xam-hai-tinh-duc-tre-em-a586210.html

[4]. https://www.anninhthudo.vn/tre-em-viet-nam-co-nguy-co-bi-boc-lot-va-xam-hai-tinh-duc-qua-mang-post512822.antd

Hình ảnh giờ thảo luận của sinh viên về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội