Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng kịch vải trong hoạt động kịch sáng tạo cho trẻ ở trường MN - Th.s: Vũ Thị Ánh Ngọc Khoa GDTH – MN

 

1.Mở đầu

     Kịch Nghệ là một cách giáo dục giúp trẻ xây dựng danh tính và kích thích các khả năng tiềm ẩn. Kịch sáng tạo bao gồm các hoạt động kịch tính và trò chơi được sử dụng chủ yếu trong môi trường giáo dục với trẻ em. Đối với trẻ em, một chương trình kịch tương ứng với nhu cầu phát triển tâm sinh lý có thể giúp trẻ xây dựng danh tính, gìn giữ nét độc đáo riêng của mình đồng thời sống hài hoà với tập thể và xã hội. Nhờ vào việc hoá thân vào nhân vật và diễn lại các tình huống bằng cử chỉ, lời nói, động tác, trẻ đón nhận và ghi nhớ bài học một cách thoải mái và dễ dàng hơn.

2. Nội dung

2.1. Vài nét về kịch vải

     Ra đời năm 1973 tại Nhật Bản, hình thức biểu diễn kịch vải (Panel Theatre) đã được sử dụng rất nhiều trong giáo dục trẻ em. Năm 2020, Panel theatre đã được giới thiệu trong Hội thảo khoa học quốc tế: “Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức”, Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội, với tên gọi Kịch vải đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Kịch vải được đánh giá cao do tính dễ sản xuất và biểu diễn. Bằng những hình vẽ đơn giản, ngộ nghĩnh, nội dung dễ hiểu và việc thầy cô biểu diễn tự nhiên, đáng yêu, nhí nhảnh, biểu cảm…. khiến trẻ không thể rời mắt khỏi bảng vải bởi những chuyển động nhanh, chi tiết bất ngờ, thú vị khó phỏng đoán. Bên cạnh đó trẻ cũng được cùng tham gia hát kịch, đoán tình huống…  Kịch vải cùng với rối, sách tranh ehon và một số hình thức hoạt động khác được xem là tài sản văn hóa thiếu nhi vì đã làm đa dạng các phương thức biểu đạt của giáo viên và nhà trường để phù hợp với sự đa dạng trong các phương pháp biểu đạt của trẻ em. Kịch vải đem lại nhiều niềm vui thích, đặc biệt là thu hút sự chú ý, tập trung và hứng thú tương tác, tham gia của trẻ. Hoạt động kể chuyện trong kịch vải giúp tăng khả năng nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ, thông qua lời kể và chuyển động của các nhân vật sẽ tạo sự hứng thú và kích thích khả năng tương tác cho trẻ.

     Ở các trường mầm non có nhiều hoạt động giúp trẻ tăng khả năng tương tác, giao tiếp với giáo viên (GV) như đóng kịch, kể chuyện…qua đó giáo dục cho trẻ những kĩ năng xã hội cần thiết trong cuộc sống. Các giáo viên luôn tìm tòi những hình thức hoạt động mới nhằm kích thích, hấp dẫn trẻ đồng thời giúp trẻ tăng khả năng giao tiếp, tương tác xã hội. Tại Nhật Bản, kịch vải đã được sử dụng cả trong lĩnh vực giáo dục dặc biệt nhằm cải thiện giao tiếp bao gồm sự tập trung, phát triển tương tác đồng thời tăng thêm niềm vui, hứng thú cho trẻ. Với những hiệu quả này, kịch vải thậm chí được phổ biến trong các nhà dưỡng lão và gần đây đã thu hút sự chú ý ở nước ngoài. Thực tế áp dụng kịch vải tại Việt Nam ở một số trường mầm non cho thấy kịch vải đem lại nhiều niềm vui thích, đặc biệt là thu hút sự chú ý, tập trung và hứng thú tương tác, tham gia của trẻ, tuy vậy, ngay cả trong các trường mầm non thông thường, kịch vải còn rất mới mẻ.

2.2. Ứng dụng kịch vải trong hoạt động kịch sáng tạo cho trẻ ở trường mầm non

2.2.1. Lựa chọn nội dung kịch vải

     Nội dung đặc trưng của kịch vải là các vở kịch chứa một câu chuyện hoàn chỉnh, có nhân vật, có cốt truyện, có bài hát và hoạt động kèm theo các câu thoại, các tình huống câu chuyện. Trong câu chuyện đó, mỗi nhân vật đều có cảm xúc, hành động, hành vi trong nhiều tình huống khác nhau. Tính chất kịch của kịch vải thể hiện ở lời thoại, ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ, động tác hóa và tính cách hóa. Nó là những lời thoại thông thường trong cuộc sống, có tác dụng khắc họa tính cách, cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trong câu chuyện. Câu chuyện trong kịch vải vừa mang tính chất giải trí vừa mang tính giáo dục cao cho trẻ; kết hợp với với bài hát có nhịp điệu dễ nhớ, câu từ ngắn gọn khơi gợi sự hứng thú, tạo bất ngờ trong từng tình tiết truyện cho trẻ.

     Lựa chọn vở kịch là một bước quan trọng và đóng góp rất lớn vào sự thành công của buổi kể chuyện. Các vở kịch vải để phát triển giao tiếp chủ yếu được lựa chọn từ các vở kịch vải có sẵn trên cơ sở so sánh, đối chiếu nội dung của kịch, hoạt động của vở kịch. Các vở kịch vải được lựa chọn cần đảm bảo: - Kịch có nội dung gần gũi với các chủ đề cuộc sống xung quanh trẻ: Đó nên là những vở kịch vải có cốt truyện là những câu chuyện thú vị, gần gũi trong đời sống hằng ngày và mang tính giáo dục cao. Các vở kịch nên đề cập đến chủ đề: Giáo dục tình cảm gia đình, Khám phá khoa học, Khám phá xã hội, Tập nấu ăn, Chăm sóc cây cối, con vật,... Đó nên là các vở kịch đang được trình diễn trong trường mầm non để trẻ thấy quen thuộc, gần gũi. Chẳng hạn vở kịch “Từ trong cây bắp cải” (Tác giả: Watanabe Shigeharu) có chủ đề về Gia đình. Nội dung kịch xoay quanh các thành viên trong gia đình, khuyên các em ăn uống đầy đủ, bước đầu biết sâu trở thành bướm (bướm sinh ra từ sâu).

     Nội dung của kịch vải có thể được xây dựng dựa trên các hoạt động, câu chuyện diễn ra hàng ngày. Giáo viên có thể biên kịch kịch bản và tạo hình nhân vật để tạo ra những vở kịch sinh động, hấp dẫn khác nhau.

2.2.2. Tổ chức hoạt động kịch vải sáng tạo cho trẻ mầm non

     Trong hoạt động kể chuyện bằng kịch vải, trẻ không chỉ ngồi nghe giáo viên kể chuyện mà còn được tham gia và thực hiện các hoạt động vận động, âm nhạc ca hát được lồng ghép tương ứng với nội dung câu chuyện như được hát, được nghe, được điều khiển nhân vật, thậm chí, trẻ được hóa thân vào các nhân vật và cùng kể chuyện. Người giáo viên có thể phát triển sự tương tác với trẻ thông qua các hình và bảng vải, làm phong phú phương thức biểu đạt khi diễn kịch cho trẻ. Các nhân vật hình phẳng 2D có thể dễ dàng di chuyển khi biểu diễn nên dễ bắt mắt trẻ, tính biểu cảm phong phú với lời thoại gần gũi, tạo không khí vui nhộn. Kịch vải có tính kịch, đi với các nhân vật cụ thể, do đó, một mặt đòi hỏi sự khắt khe trong kĩ năng diễn xuất để phù hợp với “văn hóa” của trẻ em, thì đồng thời cũng tạo cơ hội sáng tạo cho các GV trong cách thể biểu diễn cho phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của khán giả (trẻ em). GV có thể thay đổi, điều chỉnh tốc độ phát triển vở kịch, phối hợp lời kể với các vận động, cho trẻ tương tác với các nhân vật, hỏi đáp, khơi gợi sự suy nghĩ, tham gia của trẻ bằng nhiều phương pháp đơn giản mà đa dạng để thú hút sự tập trung chú ý của trẻ, giúp GV và trẻ (khán giả) dễ dàng giao tiếp với nhau, đồng thời trẻ có nhiều cơ hội được tự thể hiện bản thân khi tham gia vào kịch vải.

     Để có thể phát triển giao tiếp và khả năng sáng tạo ở trẻ, khi sử dụng kịch vải, giáo viên cần cân nhắc để điều chỉnh các vấn đề sau:

- Điều chỉnh lời thoại, ngôn ngữ trong kịch vải: Các từ ngữ và mẫu câu giao tiếp của các nhân vật có thể được giáo viên sáng tạo sao cho phù hợp với mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ, tăng cơ hội tương tác và khuyến khích sự tham gia của trẻ. Chẳng hạn, trong vở kịch “Chú cừu làm điệu”, giáo viên có thể điều chỉnh tên gọi và mỗi lần xuất hiện của chú cừu, mỗi lần cừu thay kiểu áo mới,.. thành tên gọi của trẻ. Giáo viên được khuyến khích tự do sáng tạo phần thoại khi dẫn dắt câu truyện trong vở kịch, có thể bổ sung các câu thoại hỏi về sự thay đổi của mầu áo, phỏng đoán xem màu này với màu khia khi được kết hợp với nhau sẽ ra màu gì,...

- Điều chỉnh cách diễn kịch: Tên gọi nhân vật, lời nói của nhân vật là những từ ngữ quan trọng để trẻ hiểu nội dung kịch và phát triển phát âm, do đó trước khi diễn kịch, giáo viên cần giới thiệu từng nhân vật, cùng trẻ gọi tên, nhớ tên các nhân vật. Như trong vở kịch “Từ trong cây bắp cải”, để làm điều này, giáo viên cùng trẻ gọi tên các nhân vật Sâu, cùng học các lời thoại như: Sâu bố ơi, pipi,... Giáo viên có thể bổ sung những thao tác, hành động gần gũi với hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của trẻ như ăn, uống, đọc, viết, chạy, nhảy... để giúp gắn kết những điều trẻ đã học vào hoạt động kịch vải ở lớp, từ đó trẻ có thể rèn luyện khả năng bắt chước, cùng với việc củng cố lại kĩ năng, hành vi vận động, sử dụng cử chỉ điệu bộ. Chẳng hạn, trong vở kịch “Từ trong cây bắp cải” tác giả đã đưa vào các thao tác bằng bàn tay để mô tả cây bắp cải và các động tác mở ngón tay để mô phỏng sự xuất hiện của các nhân vật sâu trong gia đình, động tác bay của bướm. Giáo viên linh hoạt điều chỉnh tốc độ và cách biểu diễn sao cho thu hút được sự chú ý theo dõi của trẻ: Bên cạnh giọng kể phải to, rõ ràng và có điểm nhấn nhá, ngữ điệu phù hợp với ngữ cảnh và cảm xúc của từng nhân vật, giáo viên cần có khả năng thể hiện ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, biết cách dừng lại, chờ đợi và khuyến khích trẻ hợp lí để trẻ chú ý và tham gia vào vở kịch. Chính nét biểu cảm trên khuôn mặt của giáo viên như ngạc nhiên, lo lắng, vui sướng, gật đầu, vẻ mặt ngạc nhiên, cái chỉ tay,... hoặc chỉ bằng những cái cau mày cũng tạo ra điểm nhấn khi diễn và thu hút được sự chú ý của trẻ. Các thao tác trong kịch vải cần ngắn gọn, cụ thể, tránh các chi tiết quá rườm rà, phức tạp. Giáo viên có thể lược bỏ các chi tiết rườm ra không cần thiết, biến tấu thao tác sao cho phù hợp với đặc điểm hiện tại của trẻ. Khi giới thiệu và cho trẻ thực hiện các thao tác, giáo viên cần thực hiện mẫu và hướng dẫn từ từ, chậm và chi tiết các thao tác. Thậm chí giáo viên dừng lại, chờ đợi để khuyến khích khả năng chời đợi và kĩ năng luân phiên và khả năng bắt chước ở trẻ. Giáo viên có thể kết hợp thêm cả âm thanh, biểu cảm gương mặt khi giới thiệu các thao tác. Trong kịch “Từ trong cây bắp cải”, trẻ có thể bắt chước các hành động với đôi bàn tay, rèn luyện các cơ vận động của các ngón tay. Đồng thời, chính hoạt động bắt chước vận động của các ngón tay sẽ giúp trẻ phát triển kĩ năng phối hợp tay - mắt. Cách diễn xuất có những quãng dừng lại, hỏi câu hỏi ngắn và chờ đợi trẻ trả lời, chờ đợi thao tác của trẻ giúp củng cố khả năng chờ đợi, luân phiên. Thông qua những tình tiết, sự chuyển động của các con sâu, của cây bắp cải, sự tương tác giữa các nhân vật với trẻ, thêm vào đó là phần trẻ được cầm các nhân vật, được gắn các nhân vật lên bảng sẽ giúp trẻ tăng thêm thích thú, đồng thời giúp trẻ biết cách bày tỏ suy nghĩ, mong muốn, biết cách thể hiện nhu cầu của bản thân trong quá trình nghe kể chuyện, tương tác với các nhân vật và với người kể chuyện.

 - Điều chỉnh đạo cụ, đồ dùng: Giáo viên có thể sử dụng các màu sắc phù hợp với sở thích của trẻ để tô màu đạo cụ. Giáo viên cũng có thể cho trẻ tham gia vào xây dựng đạo cụ, đồ dùng để tăng sự thích thú cho trẻ. Giáo viên có thể tự sáng tạo thêm đồ dùng cho phù hợp với đặc điểm của trẻ. Chẳng hạn trẻ thích một nhân vật hoạt hình nào đó, cô có thể sáng tạo thêm để trẻ cầm, nắm và dán lên bảng vải để có thêm hứng thú. Trong vở kịch “Từ trong cây bắp cải”, giáo viên cho trẻ cùng tô màu các nhân vật Bắp cải, Sâu, Bướm, trẻ được lựa chọn màu sắc yêu thích cho nhân vật. Giáo viên có thể cùng trẻ tìm thêm các nhân vật cho kịch, làm thêm các thành viên trong gia đình bắp cải, các thành viên này có thể tương ứng với các thành viên trong gia đình của trẻ.

- Điều chỉnh hoạt động trong vở kịch: Trong hoạt động diễn kịch vải, không đơn thuần là việc trẻ chỉ ngồi nghe và xem giáo viên diễn mà trẻ còn được tham gia và tự thực hiện các vận động liên quan, các thao tác, cử chỉ, hoạt động,.... của các nhân vật, sử dụng đồ dùng trong vở kịch giúp trẻ tham gia, thể hiện nhiều hơn, giúp trẻ thích thú và tập trung chú ý hơn. Chẳng hạn, trong vở kịch “Từ trong cây bắp cải”, giáo viên chia nhỏ kịch vải thành các phiên để giới thiệu từng nhân vật, cho trẻ tham gia các hoạt động tìm hiểu nhân vật. Giáo viên cũng bổ sung hoạt động chơi và hát với các ngón tay. Ở các hoạt động chơi và hát, giáo viên có thể cùng trẻ hát nhiều lần hoặc thay đổi nhịp điệu nhanh chậm của bài hát, nhịp điều của từng lời hát nhằm tăng cường hứng thú, sự tập trung chú ý của trẻ. Ở hoạt động chơi với ngón tay và các động tác mở ngón tay, giáo viên không cần yêu cầu trẻ phải mở được rộng, không yêu cầu ngón tay phải thẳng, chỉ cần các em có sự tập trung chú ý, vào ngón tay và điều khiển vận động là được. Khi trẻ tỏ ra khó khăn, không làm được, giáo viên dùng biểu cảm khuôn mặt và lời động viên trẻ cố gắng để trẻ sử dụng các cử chỉ điệu bộ, phát triển sự thích thú, tập trung chú ý và cố gắng hơn. Trong hoạt động kịch vải, giáo viên cũng chú ý đến hoạt động cảm nhận nhịp điệu và hát theo lời bài hát của trẻ và điều chỉnh cho phù hợp với hứng thú, sự tập trung chú ý của trẻ. Trẻ được vận động và hát theo lời bài hát, các em sẽ vui vẻ và dễ thể hiện cảm xúc, tình cảm của bản thân hơn. Khi lựa chọn giai điệu âm nhạc và lời thoại, giáo viên cần chọn những âm thanh dễ hát, dễ bắt chước theo. Khi hướng dẫn kể chuyện trên lớp, giáo viên cần hát rõ ràng và lặp đi lặp lại. nhiều lần để tăng khả năng ghi nhớ của các trẻ. Đồng thời, sau khi kết thúc buổi kể chuyện, giáo viên có thể mời cá nhân mỗi trẻ lên thực hành cùng với các nhân vật và thực hiện các lời thoại có trong câu chuyện theo nhịp điệu bài hát. Cuối buổi học với hoạt động kịch vải đầy sôi động, để trẻ trấn tĩnh lại, giáo viên có thể kết hợp với hoạt động kể chuyện Ehon.

3. Kết luận

     Tại Việt nam, việc tiếp cận Nghệ thuật cho trẻ em từ sớm cũng được các bậc phụ huynh chú ý tới nhiều hơn trong những năm gần đây. Bên cạnh các bộ môn phổ biến như: âm nhạc, hội hoạ, võ thuật,… thì bộ môn Kịch lại được ít người quan tâm. Có khá nhiều lí do, nhưng tựu chung thì phần nhiều là do lịch sử kịch cũng như các tác phẩm kịch được diễn tại Việt nam vẫn còn khá hạn chế. Nhưng chính bộ môn “tưởng là khó nhằn” này lại là một cách giáo dục trẻ em vô cùng sáng tạo lại ít “gò ép” với các em nhỏ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Kaneshiro Kumiko, Koshikawa Kazue, 2020. Nhận thức và thực tiễn thực hành sử dụng tài sản văn hóa thiếu nhi của sinh viên trường đào tạo giáo viên mầm non: Nghiên cứu so sánh sách tranh Ehon, Panel Theatre và Múa rối. Báo cáo kết quả nghiên cứu, Bản tin Khoa học Nhi đồng, Đại học Seitoku, Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em (nguyên bản tiếng Nhật).

[2]. Fujita Yoshiko, 2020. Dạy học bằng hình thức kịch vải sân khấu hóa. Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: “Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức”, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội